Ẩm thực Pháp nổi tiếng khắp nơi với các món ăn được chế biến lạ mắt, lạ miệng, kết hợp độc đáo rượu vào chế biến và thưởng thức các món ăn, góp phần làm đậm đà thêm hương vị của các món ăn Pháp. Người Pháp rất sành ăn và đặc biệt cẩn trọng trong việc ăn uống, trong cách chế biến và chi tiết đến cả tư thế ngồi sao cho thoải mái và có nghệ thuật.
Dưới đây là 15 điều thú vị và hấp dẫn về văn hóa ẩm thực Pháp:
1. Bữa sáng không quan trọng bằng bữa trưa và bữa tối
Thông thường ở nhiều nơi trên thế giới, bữa sáng được coi là bữa quan trọng nhất. Nhưng truyền thống ẩm thực Pháp thì không phải như vậy. Bữa sáng của họ rất đơn giản chỉ thường là bánh sừng bò và uống cafe.
Bữa trưa chất lượng hơn bữa sáng và bữa tối được chú trọng nhất. Đây là thời gian mọi người dành để giao lưu và ở bên những người thân yêu. Do đó, bữa tối luôn được quan tâm và diễn ra trong khoảng thời gian dài.
Như đã nói trên, người Pháp rất coi trọng việc thư giãn và quây quần bên nhau khi ăn uống. Bàn ăn luôn được bày trí cẩn thận, tỉ mỉ, ngay cả khi đó chỉ là một bữa trưa đơn giản. Trong bữa ăn, mọi người thường không sử dụng điện thoại. Thời gian ăn uống trong các gia đình truyền thống ở Pháp cũng được quy định nghiêm ngặt, bữa trưa sẽ bắt đầu lúc 13h30 và bữa tối lúc 20h30.
2. Cách bày trí bàn ăn
Nền ẩm thực Pháp nổi tiếng với cách bày trí bàn ăn khoa học, sang trọng nhưng vẫn thể hiện sự trân trọng của chủ nhà đối với khách. Mỗi vật dụng trên bàn đều có vị trí và nguyên tắc sắp xếp riêng. Đĩa ăn nên cách mép bàn từ 1 - 2cm. Dao, muỗng, nĩa được đặt theo thứ tự sử dụng từ ngoài vào trong. Luôn ưu tiên sử dụng các loại cốc thủy tinh trong và nhẹ, trật tự sắp xếp từ trái qua phải với các kích cỡ ly từ lớn đến bé. Ngoài ra, khăn trải bàn, bình hoa trang trí cho phòng ăn đều có quy chuẩn riêng. Khăn nhỏ của khách dùng trong bữa ăn xếp thành hình tam giác để trong đĩa hoặc xếp thành hình chữ nhật để bên trái, không bao giờ xếp khăn thành hình quạt để trong ly.
Trên bàn để lọ muối, tiêu, nhỏ, và bình nước, nhưng không bao giờ để chai dầu, dấm và tăm xỉa răng. Trong bữa ăn trịnh trọng những lọ tiêu, muối, bình nước, bánh mì được để trên một cái bàn đẩy nhỏ có bánh xe để kế bên.
3. Phong cách đặc trưng văn hoá ẩm thực Pháp
Đối với người Pháp, ăn uống được xem như là một nghi lễ quan trọng trong nếp sống hàng ngày. Văn hóa ẩm thực Pháp nổi tiếng với những đặc trưng rất riêng và độc đáo, được chia thành 3 phong cách, tương ứng với từng thời kỳ phát triển của quốc gia, bao gồm:
- Ẩm thực Trung cổ (Cuisine Médiévale): Do ảnh hưởng bởi thời kỳ Trung cổ, các bữa ăn sẽ tập trung sử dụng các gia vị đậm đà và nhiều loại thịt khác nhau như thịt lợn, thịt bò, gia cầm và hải sản. Những món ăn sẽ được trình bày một cách công phu để gây ấn tượng với thực khách. Đặc biệt, tầm quan trọng của cách bày biện món ăn vẫn được duy trì trong cách nấu ăn của người Pháp cho đến ngày nay.
- Ẩm thực Haute (Haute Cuisine): Là một phong cách ẩm thực Pháp cao cấp, thường được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng. Phong cách này được phát triển ở Pháp vào đầu thế kỷ XX với các món ăn phức tạp, sử dụng các nguyên liệu tươi ngon và kỹ thuật chế biến độc đáo. Các món ăn theo phong cách ẩm thực Haute thường được phục vụ cầu kỳ với nhiều bước, từ các món khai vị cho đến món tráng miệng.
- Ẩm thực Nouvelle (Nouvelle Cuisine): Đây là phong cách ẩm thực Pháp hiện đại. Phong cách này được phát triển vào những năm 1960 và 1970, các món ăn sử dụng ít gia vị hơn và tập trung vào việc giữ nguyên hương vị tự nhiên của các nguyên liệu. Các món ăn ẩm thực Nouvelle thường được chế biến và trình bày một cách tinh tế, tối giản hơn.
4. Ốc sên và hàu là những món ăn khoái khẩu của người Pháp
Nếu ai yêu thích nền ẩm thực của nước Pháp thì chắc chắn sẽ biết đến cái tên "Escargot". Đây là một trong những món ăn trứ danh, nổi tiếng khắp thế giới của người Pháp. Món ăn này sử dụng nguyên liệu chính là ốc sên ăn kèm với sốt bơ và mùi tây, tạo ra hương vị ấn tượng khó phai. Hàu cũng là món khoái khẩu của người Pháp. Họ thường ăn hàu sống cùng bánh mì, bơ, muối, tiêu và chanh kết hợp cùng một ly rượu vang.
5. Lượng pho mát được tiêu thụ rất lớn
Nước Pháp cung cấp cho nền ẩm thực thế giới một kho tàng pho mát khổng lồ với hơn 365 loại pho mát khác nhau tại đây cùng hơn 1.000 những sản phẩm "biến thể". Trong đó, bao gồm các loại pho mát mềm như: Camembert, Munster, Brie; pho mát như: Bleu d’Auvergne, Roquefort; pho mát cứng như: Cantal, Emmental. Với hơn 20kg pho mát bình quân trên mỗi đầu người, Pháp trở thành quốc gia đứng thứ hai sau Hy Lạp trong việc tiêu thụ loại thực phẩm này.
Người Pháp có câu thành ngữ: "Un fromage par jour de l’année", có nghĩa là "Mỗi loại pho mát cho mỗi ngày trong năm". Pho mát thực sự là một nét văn hóa đặc trưng của nước Pháp và pho mát Pháp được xem là ngôi sao của văn hóa pho mát Châu Âu.
Theo đúng tiêu chuẩn thưởng thức pho mát Pháp, họ sẽ dùng pho mát sau bữa chính và trước phần tráng miệng. Sau khi ăn món chính, người Pháp sẽ dùng pho mát với bánh mì nướng vàng giòn, kèm theo một ly rượu vang đỏ.
Một khẩu phần pho mát trong một bữa ăn bao gồm một đĩa có ít nhất 3 loại pho mát khác nhau hoặc từ các loài động vật khác nhau. Đĩa pho mát được phục vụ ở nhiệt độ phòng để có hương vị tốt nhất. Các loại pho mát được xếp trên đĩa theo thứ tự từ nhạt tới đậm.
6. "Con gì di chuyển được thì ăn"
Nếu nói rằng người Pháp chỉ biết kén chọn, những thứ sang chảnh đắt đỏ cho phù hợp với vị thế của mình, thì thật oan cho cả ngàn năm lịch sử của nước Pháp quá. Suốt thời kỳ trung cổ, người Pháp ăn uống theo phong cách "service en confusion" - dọn hết một lần lên bàn và ăn bằng tay, một phong cách "bình dân" đủ làm tất cả những tay bếp Michelin tại Paris rơi lệ. Nhưng đừng vội trách người Pháp xưa, họ có lý do làm việc đó. Thứ nhất, khí hậu nước Pháp vốn dĩ rất khắc nghiệt, chỉ có 3 mùa xuân - hạ- thu là có thực phẩm tươi. Vào mùa đông thì chẳng còn gì ăn. Thứ hai, nước Pháp không được giàu khoáng sản cho lắm. Việc chăn nuôi vào thời kì trung cổ không thuận lợi, dẫn đến thiếu hụt thực phẩm nặng nề. Đã đói thì không thể kén chọn, họ tập được thói quen ăn tất cả những con gì di chuyển. Vậy là, trước khi gan ngỗng hay bồ câu rút xương tinh xảo xuất hiện, trên bàn ăn của người Pháp toàn thịt là thịt: Từ thịt gà, bò, lợn, cá đến nội tạng động vật hay côn trùng. Phương thức chế biến cũng khá đơn giản, thường bao gồm nhiều gia vị, hun khói hoặc lên men.
Mọi chuyện thay đổi khi đến thế kỷ XVI, vua Henri II kết hôn với Công nương xứ Florentina - tức nước Ý ngày nay. Dù không hề biết nấu nướng, nhưng nàng xứng đáng được phong "thánh" trong làng ẩm thực Pháp khi đem theo vị đầu bếp thân tín tới quê chồng. Từ đó trở đi, ẩm thực Pháp được tô vẽ thêm bởi màu sắc tinh tế, trang nhã của nước Ý. Tuy nhiên, ẩm thực Pháp vẫn giữ nguyên tôn chỉ "ăn tất cả con gì đi được" của mình, biến chúng trở nên ý nhị hơn, "sang" hơn.
7. Tình yêu đặc biệt với chân ếch
Đây có lẽ là một trong những thứ kỳ lạ nhất mà người Pháp yêu thích. Cuisses de grenouilles (chân ếch) là món ngon thường được ăn cùng với bánh mì. Người ta ước tính rằng người Pháp ăn khoảng 160.000.000 cái chân ếch. Món ăn này đặc biệt phổ biến ở miền Đông nước Pháp, nhất là vùng Vosges.
Có một điều có thể du khách chưa được biết, ếch hiện là một loài được bảo vệ ở Pháp, vì vậy để làm món ăn này, người ta sẽ đưa chúng đến từ Châu Á nơi chúng cũng được coi là thức ăn phổ biến. Món ăn được đánh giá khá giống thịt gà và thường được tẩm ướp, rắc bột sau đó xào lên.
8. Sản xuất và tiêu thụ rượu vang hàng đầu thế giới
Đứng đầu danh sách quốc gia sản xuất nhiều rượu vang nhất thế giới có lẽ phải kể đến Pháp. Rượu vang Pháp có lịch sử lâu đời và hiện nay là một trong 3 quốc gia có diện tích trồng nho lớn nhất thế giới để phục vụ cho việc sản xuất rượu vang.
Với sản lượng cung cấp 5 - 6 tỷ lít rượu vang mỗi năm, Pháp trở thành một trong những nhà sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới. Là đất nước sở hữu nhiều nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng, Pháp cũng giữ thị phần nhiều nhất trong lĩnh vực xuất khẩu rượu vang và tạo nên thương hiệu trứ danh toàn cầu.
9. Bánh mì phải theo tỷ lệ
Bánh mì Baguette của Pháp đã quá nổi tiếng trên thế giới. "Baguette" trong tiếng Pháp là đũa, que dài. Bánh mì Baguette dài khoảng 65cm và nặng 250 gram.
Nhiều quán cafe và nhà hàng ở Paris thậm chí sẽ phục vụ bánh mì Baguette miễn phí. Ước tính có khoảng 10 tỷ chiếc bánh mì được nướng và bán ở Pháp mỗi năm. Chính phủ Pháp cũng ban hành luật nghiêm ngặt để quản lý việc sản xuất bánh mì Baguette, phải đảm bảo đúng tỷ lệ bột mì, muối và men theo quy định và nó phải nặng chuẩn 250 gram.
10. Không cắn trực tiếp vào bánh mì
Người Pháp rất thích ăn bánh mì trong các bữa ăn, thường đã được cắt lát sẵn hoặc xé bằng tay. Việc cắn trực tiếp vào miếng bánh mì được coi là hành vi thô lỗ. Thay vào đó, hãy bẻ hoặc xé những miếng bánh mì vừa ăn rồi cho vào miệng! Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lấy bánh mì để "lau" nước sốt trên đĩa của mình.
11. Không cắt xà lách hoặc mì ống
Người Bắc Mỹ thường dùng dao để cắt lá xà lách và mì ống. Tuy nhiên, ở Pháp, điều này được coi là bất lịch sự. Sử dụng dao ở tay trái để gập lá xà lách vào nĩa. Khi ăn mì ống, người Pháp sẽ được đưa cho một chiếc thìa lớn hơn. Lấy một ít mì ống bằng nĩa và xoay nó bằng thìa.
12. Đặt 2 tay trên bàn
Việc đặt một tay dưới bàn hay để trên đùi được coi là bất lịch sự. Ở Bắc Mỹ, người ta thường đặt một tay lên đùi khi ăn và chỉ giơ tay trái (nếu bạn thuận phải) để dùng dao. Tuy nhiên, ở Pháp, mọi người thường ăn bằng cả 2 tay nên luôn để tay trên bàn.
13. Văn hóa nâng ly chúc mừng
Trong lễ cưới, chú rể và cô dâu dùng một chiếc ly có hai quai để cùng uống rượu mừng. Chiếc ly này được gọi là "ly tình yêu", và nó được lưu truyền từ thế hệ trước và tiếp tục được lưu truyền cho thế hệ sau. Phong tục này là sự khởi nguồn của tục cụng ly chúc mừng ngày nay. Gần đây, rất khó có thể tìm được những chiếc ly như thế nên họ thay bằng những cặp ly đôi và vẫn với ý nghĩa thể hiện sự gắn kết của tình yêu đôi lứa.
14. Chia tiền trả sau bữa ăn là thiếu tế nhị
Việc chia tiền khi trả sau khi ăn là điều thiếu tế nhị đối với người Pháp. Nếu du khách không trả thì hãy để người khác trả, hôm khác du khách có thể mời lại họ. Như vậy sẽ giữ được phép lịch sự hơn đấy. Một lưu ý khác nữa là du khách đừng tỏ ra vội vàng, nhanh chóng trong khi ăn. Hãy cứ tỏa ra thoải mái và dùng bữa một cách từ tốn nhé!
15. Vứt bỏ thức ăn thừa là bất hợp pháp
Vì tình yêu với các món ăn nên người Pháp không bao giờ muốn lãng phí bất kỳ thực phẩm nào. Các siêu thị ở quốc gia này sẽ không vứt bỏ những mặt hàng không bán được hoặc gần hết hạn sử dụng. Chúng sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện để cung cấp cho những người nghèo khó, sống trong hoàn cảnh khó khăn.
Mong rằng những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ sẽ giúp du khách có thể tích lũy được một vốn ít kinh nghiệm để có thể dễ dàng hòa nhập văn hóa ẩm thực của người Pháp. Và du khách cũng đừng quên Book Tour Pháp của chúng tôi nhé!
Tin mới
- Top 20 thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ khiến nhiều người ao ước - 14/03/2024 16:55
- 15 món đặc sản gây "hãi hùng" của ẩm thực Pháp - 12/03/2024 16:52
- 15 loại phô mai ngon nhất của nước Ý "chinh phục" được cả thế giới - 10/03/2024 17:01
- 10 loại bánh mì được ưa chuộng nhất ở Đức - 13/02/2024 15:34
- 9 loại bánh trứ danh của nước Đức chinh phục tín đồ hảo ngọt - 13/02/2024 14:05
Các tin khác
- Bánh mì Lampredotto - Tinh hoa ẩm thực Ý - 27/12/2023 16:05
- Lễ hội Củ Hành - lễ hội dân gian truyền thống của cư dân Bern, Thụy Sĩ - 30/09/2023 16:39
- Thành phố Bern của Thụy Sĩ khiến lữ khách xao xuyến bởi các món ăn ngon - 29/09/2023 19:48
- 7 món ăn đặc sản chinh phục lữ khách của thành phố Zurich, Thụy Sĩ - 24/09/2023 16:10
- Top 7 Lễ hội đặc sắc của thành phố Zurich, Thụy Sĩ - 24/09/2023 15:11