Nước Đức có dân số khoảng 83,2 triệu người, trong đó có khoảng 8 triệu người nước ngoài với mật độ dân cư trung bình là 230 người/km2; là một trong những quốc gia có mật độ dân cư lớn nhất Châu Âu sau Bỉ, Hà Lan và Anh. Tuy nhiên, mật độ dân cư ở đây phân chia rất khác nhau theo khu vực, chủ yếu dân cư tập trung ở những thành phố lớn và các khu công nghiệp.
Cứ 3 người dân Đức thì có 1 người sinh sống tại một trong 82 thành phố lớn. Miền Tây nước Đức có mật độ dân cư cao hơn hẳn vùng phía Đông. Diện tích miền Đông chiếm khoảng 30% diện tích cả nước nhưng có dân số chỉ bằng gần 19% dân số cả nước (15,3 triệu người).
Trong thập niên 70, dân số các bang miền Tây và miền Đông giảm do tỷ lệ sinh đẻ giảm đi. Với tỷ lệ 10,2 lần sinh trên 1.000 người trong năm 1998 (vùng các bang cũ ở phía Tây), Đức thuộc nhóm những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tình trạng dân số tăng sau chiến tranh thế giới thứ hai chủ yếu là do những người nhập cư tạo nên. Khoảng 13 triệu người Đức bị truy đuổi hoặc phải tị nạn đã từ tỉnh cũ của Đức ở miền Đông và từ Đông Âu trở về lãnh thổ nước Đức ngày nay.
Nước Đức là một đất nước có nền văn hóa đa dạng phong phú, con người ở đây cũng có những nét văn hóa và lối sống đặc trưng. Người Đức nổi tiếng là thẳng thắn, rõ ràng, minh bạch trong mọi vấn đề. Thẳng thắn trong việc góp ý, đánh giá, từ chối hoặc yêu cầu nhờ giúp đỡ… Người Đức rất hay hỏi "warum?". Rõ ràng thể hiện ở điểm mọi thứ phải minh bạch và rõ ràng.
Họ cũng là người rất tiết kiệm hơn người dân các nước khác. Tiết kiệm thể hiện ở chỗ "vừa đủ": điện thoại chỉ liên lạc khi cần thiết và nói những gì cần khi không thể liên lạc bằng những phương tiện khác rẻ hơn; tắt các thiết bị điện sau khi sử dụng; khi sử dụng nước, ngoài việc trả tiền để mua nước dùng thì người Đức còn phải trả tiền xử lý nước thải, càng dùng nhiều nước sạch đồng nghĩa với việc phải chi ra một khoản lớn trả tiền xử lý nước thải, cho nên người Đức dùng nước rất tiết kiệm, thông thường họ chỉ tắm 2 hoặc 3 lần/tuần (chủ yếu dùng vòi hoa sen và không tắm quá lâu) và 3 ngày giặt, thay quần áo một lần. Vào mùa đông, người dân xứ lạnh sẽ tắm ít đi do ít ra mồ hôi nhưng cũng tùy thuộc vào mỗi người. Thức ăn thường được nấu vừa đủ hoặc thậm chí còn hơi thiếu, khi ăn thừa được bảo quản vào tủ lạnh cho những ngày hôm sau; về đi lại: hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện cá nhân tiêu tốn xăng dầu như xe ôtô riêng, xe gắn máy, thay vào đó là phương tiện công cộng và đặc biệt là xe đạp, người Đức rất thích đi xe đạp, cho dù đó là đi chơi hay đi làm.
Người Đức được ví von như "cỗ xe tăng" - sự lạnh lùng và chắc chắn, nhưng không vì thế mà họ không có tình cảm và cảm xúc. Người ta thường ví người Đức như quả dừa - tuy thô kệch cứng rắn bên ngoài, nhưng khi đập tan được lớp vỏ thì lại được thưởng thức một bầu nước rất ngon, mát bổ. Hãy sống chân thật với người Đức, bạn sẽ được đáp lại sự chân thành hơn cả mong đợi. Người Đức không thích khoác lác, phô trương, ồn ào. Tất cả thể hiện sự đúng mực có suy xét. Họ cũng không thích than phiền và nói xấu hay can thiệp vào cuộc sống cá nhân của người khác.
"Mang tiếng là khô khan, cứng nhắc, lạnh lùng" nhưng trên thực tế người Đức vẫn có khiếu hài hước chỉ là họ sẽ vui tính theo cách riêng của họ. Tất nhiên là họ sẽ không vui vẻ thoải mái quá mức, nghĩa là kể cả khi nói đùa họ cũng sẽ không thể hiện sự mỉa mai trong giọng nói. Và chính "tông giọng không đổi" đó khiến họ bị hiểu lầm là người khô khan, nghiêm nghị và không biết đùa.
Người Đức rất lịch sự, cẩn thận, chu đáo trong giao tiếp và ứng xử khi họ tiếp xúc với đối tác thuộc nền văn hóa khác họ. Trên thực tế, người Đức ứng xử thân thiện và chân thành với nhau, nhưng điều này lại ít được thể hiện ra khi họ tiếp xúc với người nước ngoài.
Ở Đức, đức tính độc lập cá nhân và tự chủ được đánh giá rất cao. Ngay từ nhỏ, trẻ ở Đức đã được giáo dục để tự chăm sóc bản thân. Ngoài ra, trẻ em cũng được dạy cách để thực hiện các công việc hàng ngày một cách độc lập, khiến cho người Đức luôn tự tin, có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong công việc, người Đức sẽ lên kế hoạch, đặt mục tiêu rất chi tiết và rõ ràng. Họ luôn nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu mà không phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Tính tự lập không chi giúp người Đức thành công trong công việc mà còn khiến họ có thể duy trì cuộc sống cá nhân và tính tự chủ.
Trong giao tiếp, với tính cách người Đức thì một cái "ôm" hay "bắt tay" là một cách thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và tạo thiện cảm với nhau. Họ thường chủ động cho những cái bắt tay hay cái ôm thân thiện này mà không chờ đợi từ phía đối phương của mình. Nếu như tại Việt Nam, người ta chỉ cần nở một nụ cười xã giao khi gặp đối phương thì tại Đức điều đó hoàn toàn không nên. Với tính cách người Đức thì một nụ cười như vậy là thể hiện sự tự cao của bản thân.
Và cũng trong giao tiếp, người Đức rất coi trọng cách xưng hô. Có sự khác biệt rõ rệt giữa 2 cách xưng ngôi đặc trưng "Du" và "Sie" và đòi hỏi kiến thức cũng như cảm quan ngôn ngữ để sử dụng 2 cách xưng cho đúng. Ngôi "Sie" dùng trong quan hệ công việc, với những người không thân quen, thường được gọi kèm với tên họ và chức danh hoặc học hàm, học vị (tiến sĩ, giáo sư). Ví dụ: "Ich freue mich Sie zu treffen, Herr Dr. Müller." (Rất hân hạnh được gặp ngài, tiến sĩ Müller). Ngôi "Du" thường dùng trong quan hệ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp thân quen và gọi kèm với tên. Ví dụ: "Schön Dich zu treffen, Andreas." (Andreas, rất vui khi được gặp bạn).
Người Đức không thích dài dòng, vòng vo khi nói chuyện. Họ luôn giao tiếp, trao đổi mọi vấn đề một cách trực tiếp, thẳng thắn và chân thành, họ cũng đặc biệt thích tranh luận về những vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Với tính cách này thì ở các nền văn hóa khác rất dễ gây hiểu lầm hoặc xung đột mà đôi khi chính người Đức không nhận thức được. Trong giao tiếp, họ cũng hay dùng ngụ ý, ẩn dụ, ngôn ngữ cơ thể để đối phương hiểu được thông điệp mà họ muốn nhắn nhủ.
Người Đức luôn đúng giờ (chính xác đến từng phút), không làm lãng phí thời gian của người xung quanh là những biểu hiện cho thấy họ là một người lịch sự và tôn trọng người khác.
Người Đức luôn tách biệt rất rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Chính điều này dẫn đến các cách ứng xử khác nhau cho phù hợp, ví dụ ứng xử trong công việc khác với ngoài đời sống, ứng xử với đồng nghiệp, đối tác khác với bạn bè, người thân. Người Đức tỏ ra lạnh lùng, tạo khoảng cách trong công việc và thậm chí không quan tâm. Khi làm việc, họ tập trung và chăm chỉ hết sức, đến lúc nghỉ ngơi người Đức cũng nghỉ ngơi rất thoải mái. Điều này giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc. Gửi email liên quan đến công việc sau giờ làm việc cũng là một hiểu hiện bóc lột người lao động, nên nó bị cấm ở Đức. Thực sự thư giãn khiến họ trở lại với công việc đầy hào hứng và hiệu quả.
Khi họ muốn khen ai thì họ khen rất chân thành. Luôn tránh những lời khen quá lộ liễu nhất là nên tránh đề cập đến ngoại hình, trang phục… và chỉ nên tán dương những đức tính tốt, tinh thần làm việc của đối phương. Họ tuyệt đối không nói lời sáo rỗng, không nhằm vào mục đích gì. Người Đức chia sẻ về sở thích, những điểm chung để tạo không khí thân mật, giúp mọi người thích ứng vào cuộc nói chuyện nhanh hơn, không nên đề cập tới những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị.
Đàn ông Đức luôn coi trọng phái nữ. "Ladies First" chỉ áp dụng trong cuộc sống thường nhật, còn trong quan hệ công việc, làm ăn thì nam nữ bình đẳng, thông thường cấp dưới sẽ nể cấp trên. Ai cũng có thể vui vẻ giúp đỡ hay đơn giản là mở cửa cho người khác.
Người Đức trước nay đều không quá quan tâm đến vấn đề ăn mặc, thời trang dường như không ảnh hưởng gì đến họ. Đặc biệt, quần áo bày bán trong các trung tâm thương mại cũng rất giản dị.
Thông thường thì chúng ta cần phải nhỏ nhẹ khi ăn uống tại các nhà hàng Châu Âu, thế nhưng ở Đức thì lại khác, thực khách có thể thoải mái ăn miếng thịt to, uống cốc bia lớn mà không phải e ngại những ánh nhìn xung quanh bởi người Đức nổi tiếng là những con người hào sảng.
Có thể thấy tuy sống trong một đất nước phát triển nhưng người Đức lại rất đơn giản và thoải mái, một lối sống vô cùng đáng mến, đem lại sự dễ chịu cho các khách du lịch nước ngoài.
Trên đây là một số nét đặc trưng trong tính cách của người Đức. Nếu du khách muốn hiểu hơn về con người và văn hóa nơi đây thì hãy đồng hành cùng chúng tôi trong Tour Đức nhé!
Tin mới
- Hutspot - món ngon gắn liền với lịch sử vẻ vang của Hà Lan - 18/12/2024 17:20
- Điểm danh 15 thương hiệu Chocolate Bỉ nổi tiếng toàn thế giới - 17/12/2024 17:19
- Thưởng thức món thịt bò hầm bia nâu lạ miệng trong chuyến du lịch Hà Lan - 16/12/2024 15:35
- "Bật mí" 14 món ăn hấp dẫn ở Helsinki (Phần Lan) khiến du khách "ghiền" - 07/11/2024 15:03
- "Bật mí" Top 11 món ngon được chế biến từ thịt ở Đức - 04/11/2024 17:13
Các tin khác
- Độc đáo Lễ hội rước Mèo từ thời Trung Cổ tại thành phố Ypres, Bỉ - 01/11/2024 13:59
- Hòa mình trong không khí vui nhộn của Lễ hội Bí Ngô ở nước Đức - 17/10/2024 20:34
- Bicky Burger - Burger truyền thống từ Vương quốc Bỉ - 14/10/2024 20:31
- "Ngây ngất" hương vị của 14 loại bia nổi tiếng của nước Bỉ - 11/10/2024 20:28
- Choc In Bruges - Lễ hội Chocolate đầy ngọt ngào của Vương quốc Bỉ - 10/10/2024 20:27