Arrow
Arrow
Slider

"Sanssouci" là tên của cung điện mùa hè của Friedrich Đại đế (Friedrich der Große, 1712-1786), vua của Vương quốc Phổ. Nó tọa lạc trên một đồi nho nhân tạo, nay thuộc Potsdam, gần Berlin, Đức. Cung điện tráng lệ này được thiết kế bởi Georg Wenzeslaus von Knobelsdorff từ 1745 đến 1747 để đáp ứng nhu cầu của Friedrich Đại đế, nơi ông có thể nghỉ ngơi và thư giãn bỏ đi mọi ưu phiền vẽ hào hoa và các buổi thiết triều ở kinh thành Berlin. Tên của cung điện này bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp (Sans Souci), dịch ra là "không có mối quan tâm" có nghĩa là "không lo lắng", "vô tư" hoặc "vô ưu" tương trưng cho cung điện này là một nơi để thư giãn chứ không dính líu đến việc chính sự. Mọi thứ tại nơi đây tạo cảm giác sung túc, đủ đầy, khiến du khách chỉ muốn vô tư mà thưởng ngoạn mặc cho cuộc sống bộn bề ngoài kia.

cung dien sanssouci duc 3

Lấy cảm hứng từ mô hình Cung điện Versailles của Pháp, tuy nhiên, Cung điện Sanssouci lại đặc trưng bởi phong cách Rococo độc đáo, xa hoa. Ngay từ xa, nhìn ở bất cứ góc độ nào, cung điện cũng thoát lên vẻ thượng lưu, đẳng cấp và khi lại gần ai nấy đều phải choáng ngợp trước kiến trúc quá đỗi đẹp đẽ.

cung dien sanssouci duc 4

Cung điện Sanssouci chỉ có 1 tầng với 12 phòng lớn, gồm các phòng tiếp khách, phòng chơi nhạc, thư viện, phòng ngủ... với các họa tiết trang trí cầu kỳ trên tường, trần nhà, cột nhà. Cách bố trí đồ nội thất, trang trí phòng đều do vua phác thảo và các nghệ sĩ theo đó mà bài trí với tiêu chí ưu tiên cho sự thoải mái, tiện nghi. Phòng Cẩm thạch, tức phòng tiếp khách chính, nằm giữa tòa nhà và trên phòng Cẩm thạch là mái vòm đặc trưng. Từ hai bên hông cung điện hướng về phía bắc là hai hàng cột khổng lồ gồm tổng cộng 88 cột có kiểu kiến trúc Corinthian - tượng trưng cho hai cánh tay nhà vua mở ra ôm lấy đất trời... Tên cung điện được khắc ở phần mái vòm. Tòa nhà chiếm gần như toàn bộ phần đỉnh đồi.

Vẻ đẹp của Cung điện Sanssouci còn thể hiện ở sảnh vào và sảnh bằng đá cẩm thạch, khu vườn thượng uyển rộng lớn với sân hiên dẫn xuống đài phun nước tráng lệ, vườn nho bậc thang và khu nhà kính nhiều loại câu quý hiểm. Bước tiếp vào bên trong Cung điện Sanssouci, ngay lập tức du khách sẽ bị ấn tượng với hàng trăm tượng đá sa thạch theo lối Barock.

cung dien sanssouci duc 1

Cung điện Sanssouci "sống sót" gần như nguyên vẹn qua Thế chiến II, vô số những tác phẩm hội họa kinh điển của các họa sĩ tài ba khắp Châu Âu cũng như nội thất quý giá đã được bảo tồn hoàn hảo trong cung điện cho đến ngày nay.

Để có cái nhìn bao quát hơn toàn bộ không gian rộng lớn xung quanh Cung điện Sanssouci, du khách hãy leo lên Tháp Norman trên đồi Ruinenberg, Belvedere trên đồi Klausberg hoặc Belvedere trên đồi Pfingstberg. Phóng tầm mắt và chiêm ngưỡng, du khách sẽ hiểu tại sao người ta thường có cảm giác sung túc, đủ đầy và muốn quẳng gánh lo, bộn bề đi, cứ vô tư mà thưởng ngoạn!

cung dien sanssouci duc 6

Tiếp theo đó, du khách hãy đi hết vườn nho bậc thang nằm dưới cung điện, du khách sẽ lạc vào khu vườn hoa kiểu Baroque được xây dựng vào năm 1745. Ba năm sau đó, đài phun nước lớn được xây tại trung tâm của khu vườn. Frederick chưa bao giờ chiêm ngưỡng được một màn phun nước nào do các kỹ sư kiến tạo công trình này không hiểu biết về thủy lực học. Từ năm 1750, nhiều bức tượng đá cẩm thạch được đặt xung quanh đài phun nước. Đây cũng được cho là sao chép từ Cung điện Versailles với các tượng thần Vệ nữ, thần Apollo, nữ thần Diana, Minerva... cùng những biểu tượng cho lửa, nước, không khí và trái đất. Friedrich Đại đế thường ở đây vào mùa hè nhưng sau khi ông qua đời vào năm 1786, cung điện bị lãng quên cho mãi đến giữa thế kỷ XIX.

Sau Thế chiến thứ hai, Cung điện Sanssouci trở thành điểm thu hút khách du lịch ở vùng Đông Đức. Và sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, ước nguyện cuối cùng của Frederick mới trở thành hiện thực: thi thể của ông được đưa về cung điện và chôn cất trong một ngôi mộ nhìn ra khu vườn. Ngôi mộ được xây giản đơn đến mức không ngờ. Điều này thể theo di chúc của vua: một ngôi mộ không phô trương và được đặt cạnh mộ mấy con chó cưng của ông.

cung dien sanssouci duc 5

Sau khi hoàn thành Cung điện Sanssouci và vườn nho bậc thang, Frederick Đại Đế để ý đến cảnh quan của vùng phụ cận và từ đó bắt đầu xây dựng công viên Sanssouci. Đi hết khu vườn hoa kiểu Baroque, du khách sẽ bước vào công viên này với con đường chính dài 2,5km và hơn 3.000 cây ăn quả cùng với hệ thống nhà kính, vườn ươm trải dài với cam, dưa hấu, đào và chuối. Công viên Sanssouci được mở rộng hơn dưới thời vua Frederick William III và sau đó là Frederick William IV, người đã cho xây thêm Cung điện Charlottenhof từ năm 1826-1829. 

cung dien sanssouci duc 7

Ngày nay, Cung điện Sanssouci đã trở thành một trong những điểm đến tuyệt vời trong Tour Đức của bất kỳ khách du lịch nào yêu kiến trúc, nghệ thuật, hội họa,… Thế nhưng, để trải nghiệm tại Cung điện Sanssouci thêm trọn vẹn, du khách nhất định không thể bỏ qua sự kiện "Potsdam Palace Nights" (Đêm ở Cung điện Potsdam). Vào những ngày này, toàn bộ khuôn viên Cung điện Sanssouci bao gồm các tòa nhà và khu vườn được thắp sáng lung linh trong nền nhạc cổ điển, các diễn viên diện trang phục cổ hóa thân thành nhân vật hoàng gia xưa, hòa chung trong bầu không khí kỳ diệu với màn khiêu vũ sống động. Kết thúc là màn pháo hoa hoành tráng vào cả 2 đêm.

Gây choáng ngợp bởi phong cách nghệ thuật Rococo, vẻ thượng lưu toát lên từ những khu vườn sạch đẹp, vườn nho bậc thang dẫn đến cung điện dát vàng xa hoa cùng vô vàn tuyệt tác bên trong, Cung điện Sanssouci xứng đáng là Di sản hàng đầu thế giới của UNESCO. Nếu có kế hoạch du lịch Đức trong thời gian sắp tới, du khách hãy thêm Cung điện Sanssouci trong lịch trình của mình nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và đầy thú vị!